Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Tài liệu tham khảo

Bấm vào đây

Bài mở đầu

Blog của lớp Trung cấp chính trị H333 - quận 2

Karl Marx (1818 – 1883)


Friedrich Engels (1820 – 1895)


Vlađimir Ilich Lênin (1870 – 1924)



Hồ Chí Minh (1890 - 1969)




Tiểu sử Mac - Angghen và Lê Nin

Hơn 150 năm qua học thuyết Mác-Lênin như mặt trời chân lý chói ngời sức sống đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Nhân loại đã và còn có thể dành cả thiên kinh vạn sử để viết về học thuyết của Chủ nghĩa Mác – Lênin trong lịch sử vận động cách mạng của các dân tộc.

1. C.Mác ( Karl Marx, 1818 – 1883 )
        
  C. Mác sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 ở thành phố Tơ-ri-ơ ( Trier), tỉnh Ranh, nước Phổ ( nay là nước Đức ) trong gia đình luật sư Heinrich Marx. Ở trường phổ thông, sức học của Mác thuộc loại giỏi, đặc biệt nổi bật ở những lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập sáng tạo. Năm 1835 Mác vào học ngành luật học ở Đại học Bonn, sau đó tiếp tục học ở Đại học Berlin và Đại học Jena.Từ năm 1836 Mác bắt đầu nghiên cứu triết học và lịch sử triết học. Năm 1841 C. Mác nhận bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Jena với luận án: “ Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên Đêmôcrit và triết học tự nhiên của Êpicuya”.
          Tháng năm năm 1843, C. Mác đến Kroisnak, một thành phố nhỏ vùng Rhein và ông chính thức làm lễ thành  hôn với Gienny vôn Vestphalen Kroisnak .
           Lần đầu tiên C.Mác gặp Ph. Ăngghen vào cuối tháng 11-1842 khi Ph. Ăngghen trên đường sang Anh và ghé thăm ban biên tập Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh). Mùa hè năm 1844 hai ông trở thành bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý luận và thực tiễn.
          Vì theo lập trường cấp tiến của nhóm Hêghen trẻ, tờ Rheinische Zeitung bị kiểm duyệt rất gắt gao và đến tháng 3 năm 1843, bị đóng cửa. C. Mác bị trục xuất khỏi nước Phổ và sang cư trú tại Pari từ năm 1843 – 1845.
          Ngày 3-2-1845, C. Mác rời Pari đến Brussel nước Bỉ và ở đó thời gian từ năm 1845 – 1848. Năm 1848, C.Mác lại bị Chính phủ Bỉ trục xuất. Ông lại đến Pari, tháng 4 – 1848 C.Mác cùng với  Ph. Ăngghen đến Kioln, tại đây C.Mác trở thành Tổng biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh (Rheinische Zeitung), cơ quan của phái dân chủ. Năm 1849 Chính phủ Phổ đóng cửa tờ báo và trục xuất C.Mác. Quay trở lại Pari, nhưng lần này ông chỉ lưu lại ba tháng. Tháng 8-1849 từ Pari C.Mác sang Luân đôn cư trú cho đến cuối đời và  qua đời vào ngày 14 tháng 3 năm 1883 tại Luân đôn.
          Hoạt động cách mạng sôi nổi và con đường tìm ra quy luật lịch sử của C.Mác
Công tác thực tiễn ở báo Rheinische Zeitung đã làm thay đổi cơ bản thế giới quan của C.Mác chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ - cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Tháng 2-1844 C.Mác đã đăng bài Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen. Từ tháng 4 đến tháng 8 - 1844 C.Mác viết bản thảo kinh tế - triết học. Tháng 2 - 1845, cuốn sách Gia đình thần thánh của C.Mác và Ph. Ăngghen viết chung ra đời phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.  C.Mác cùng với  Ph. Ăngghen hợp sức viết Hệ tư tưởng Đức (1845 - 1846) tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen. Trong cuốn Sự bần cùng triết học (1847) C.Mác đã chống lại triết học tiểu tư sản của P.J.Prudong và trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản. Năm 1848 được sự ủy nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản C.Mác và Ph. Ăngghen viết“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” – một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩ Mác và đảng vô sản.Tháng sáu năm 1859, công trình thiên tài của Mác “Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học” ra đời viết về tiền tệ và lưu thông tiền tệ.
C.Mác là người tổ chức và lãnh đạo của Quốc tế cộng sản I thành lập ngày 28-9-1864. Năm 1867 bộ Tư bản (Tập 1)- tác phẩm chủ yếu của C.Mác ra đời. Tập II và III C.Mác không kịp hoàn tất, Ph. Ăngghen đảm nhận việc chuẩn bị xuất bản hai tập này.
Trong cuốn “Phê phán Cương lĩnh Gôta” (1875) C.Mác đã kịch liệt phê phán những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của những người lãnh đạo đảng xã hội dân chủ Đức. Năm 1876 sau khi Quốc tế cộng sản đệ nhất giải tán, C. Mác nêu lên ý kiến thành lập các đảng vô sản ở các nước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong phong trào công nhân. ...
         
2. Ph. Ăngghen ( Friedrich Engels, 1820 – 1895 )
          Ph. Ăngghen sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820 ở Barmen, Vương quốc Phổ (nay là Wuppertal, Đức ). Bố của ông là một chủ xưởng dệt lớn ở Phổ lúc bấy giờ. Năm 1837 theo yêu cầu của Bố, Ăngghen phải thôi học trung học để làm việc kinh doanh.
          Trong thời gian này ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca. Tháng 6 năm 1838, Ph.Ăngghen đến làm việc tại văn phòng thương mại ở thành phố cảng Barmen.
          Cuối năm 1839 Ph.Ăngghen bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm triết học của Hênghen..Tháng 9 năm 1841, Ph. Ăngghen đến Bec – lin và gia nhập đoàn pháo binh, nhưng ông vẫn lui tới Đại học Tổng hợp Bec – lin nghe các bài giảng triết học, tham gia thảo luận về các bài giảng lịch sử tôn giáo. Mùa xuân 1842, Ph. Ăngghen bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung ( Nhật bào tỉnh Ranh ). Tháng 11 năm 1842, trên đường sang Anh, Ph.Ăngghen đã ghé thăm trụ sở tờ báo C.Mác, Tổng biên tập tờ báo. Ông ở lại Anh 2 năm. Bài báo “Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh” (1842) cùng với những bài báo khác của Ph. Ăngghen viết ra năm đó đã phân tích rõ sự phân chia xã hội thành ba giai cấp cơ bản: Giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất, giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản.
 Từ năm 1844 C.Mác và Ph.Ăngghen cộng tác chặt chẽ với nhau và trở thành bạn thân. Nhờ sự giúp đỡ của Ph.Ăngghen về mặt tài chính, gia đình của Mác mới có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và bộ Tư bản mới được xuất bản trọn vẹn. Tình bạn của các ông đã thực sự trở thành một “huyền thoại” như nhận xét của một giáo trình triết học Mỹ.
Tháng 2 năm 1845 cuốn sách “Gia đình và thần thánh” của C. Mác và Ph. Ăngghen ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm và phương pháp của nó. Hai ông cùng hợp sức viết công trình nổi tiếng “Hệ tư tưởng Đức” (1845 – 1846), tiếp đó năm 1848 Đại hội II Liên đoàn những người Cộng sản đã ủy nhiệm C. Mác và Ph. Ăngghen cùng viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Trong thời gian sống ở Pari, Ph. Ăngghen quan tâm nhiều đến hoạt động của BCH Trung ương Liên đoàn những người Cộng sản và trở thành Ủy viên của Ban lãnh đạo, là một trong những người lãnh đạo câu lạc bộ công nhân Đức (3/1848) do BCH Trung ương LĐ những người Cộng sản lập ra.
Tháng 4 năm 1848, ông cùng với C. Mác trở về Đức tham gia cuộc cách mạng Đức. Tháng 10 năm 1848 ông đã đi Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ nhưng không được phép cứ trú chính trị, Ph. Ăngghen đã đến Pari sau đó sang Thụy Sĩ tham gia Đại hội các Liên đoàn công nhân Đức, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương của tổ chức này.
Tháng giêng năm 1849, ông trở vể Đức và tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi cuộc đấu tranh bùng nổ ở Tây và Nam nước Đức (5/1849), Ph. Ăngghen đã vạch ra một kế hoạch hoạt động quân sự, thành lập quân đội cách mạng tiến hành cuộc khởi nghĩa. Ngày 10 tháng 05 năm 1849, Ph. Ăngghen đến Elberfeld và được bổ sung vào Ban quân sự. Trong thời kỳ này ông đã tham gia trực tiếp 4 trận đánh lớn, trong đó có trận Rastatt. Sau này Ph. Ăngghen đã viết trước tác Luận văn quân sự nổi tiếng.
Tháng 11 năm 1850, Ph. Ăngghen buộc phải chuyển đến Manchester và lại bắt đầu làm việc ở văn phòng thương mại. Tháng 09 năm 1870, Ph. Ăngghen đến London và được đưa vào Tổng Hội đồng của Quốc tế Cộng sản I. Năm 1871, Ph. Ăngghen tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Pari. Trong thời gian này, Ph. Ăngghen đã viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn Chống Duyrinh (1878) góp phần to lớn cho việc hoàn thiện chủ nghĩa Mác.
Sau khi C. Mác qua đời (1883), Ph. Ăngghen là người lãnh đạo Tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu, chuẩn bị cho tập 2 và 3 của Bộ Tư bản mà C. Mác chưa kịp hoàn thành.
Ngày 14/7/1889 ở Pari Quốc tế cộng sản II ra đời là liên minh quốc tế các đảng công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Ph. Ăngghen, Quốc tế cộng sản II có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển phong trào công nhân thế giới. Năm 1895 khi Ph. Ăngghen mất những người theo chủ thuyết chống lại học thuyết Marx như K.Kautsky, E.Bernstein dần chiếm ưu thế trong Quốc tế II. Do không thống nhất về chiến lược, chia rẽ về tổ chức nên Quốc tế cộng sản II tan rã khi chiến tranh thế giới I bùng nổ.
                    Ph. Ăngghen còn viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời : Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước ( 1884); Biện chứng của tự nhiên  (1884); Lútvít Phoiơbăc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức ( 1886 – 1888); Sự phát triển của xã hội từ không tưởng đến khoa học ( 1892); Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894)
         
          3. V.I.Lênin ( Vlađimir Ilich Lênin, 1870 – 1924)
          Vlađimir Ilich Lênin tên thật là Vlađimir Ilich Ulianov, sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870 ở Simbirsk ( nay là Ulianovsk), V.I.Lênin là người bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác nói chung và triết học Mác nói riêng, mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác. Vì thế học thuyết này mang tên Chủ nghĩa Mác – Lênin.
          Tốt nghiệp xuất sắc bậc trung học, V.I.Lênin vào khoa Luật Đại học Tổng hợp Kazan. Tại đây, V.I.Lênin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, nên tháng Chạp 1887 thì bị đuổi học. Tháng 10 năm 1888, V.I.Lênin trở về Kazan gia nhập nhóm Mácxít ở đó. Nhờ tự học, sau 2 năm, V.I.Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Kazan với tư cách thí sinh tự do.
          Sau khi tốt nghiệp, V.I.Lênin làm trợ lý luật sư ở Samara. Năm 1895, Lênin gặp Krupskaia và kết hôn cùng bà.
          Năm 1895, “Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân” do V.I.Lênin thành lập ở Perterburg bị phát giác, V.I.Lênin đã bị bắt và bị đày ở Sibir.Trong thời gian lưu đày V.I.Lênin đã viết xong hơn 30 tác phẩm trong đó có cuốn khá đồ sộ: Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Nga (1899).
          Năm 1900, V.I.Lênin ra nước ngoài, cùng với Plekhanov lập ra tờ báo Tia lửa. Năm 1903, Đại hội lần thứ II Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga được tổ chức tại Luân Đôn. V.I.Lênin đưa ra nguyên tắc xây dựng Đảng vô sản kiểu mới có kỷ luật nghiêm minh đủ sức tổ chức, lãnh đạo quần chúng. Nhóm đa số ủng hộ Lênin gọi là
 “Bolshevik”, nhóm thiểu số chủ trương đấu tranh theo kiểu nghị trường gọi là
“Menshevik”. Về những nguyên tắc tư tưởng và tổ chức của đảng kiểu mới này được Lênin trình bày trong cuốn Làm gì (1902), Một bước tiến hai bước lùi (1904). Trong thời kỳ cách mạng 1905-1907 Lênin đã phát triển tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa Hai sách lược dân chủ xã hội trong cách mạng dân chủ 1905
          Tháng 4 năm 1905, tại Đại hội lần thứ III Đảng cộng hoà xã hội - dân chủ Nga ở Luân Đôn, V.I.Lênin được bầu làm chủ tịch Đại hội. Đại hội này bầu ra Uỷ ban Trung ương do V.I.Lênin đứng đầu. Tháng 11 năm 1905, V.I.Lênin bí mật trở về Peteburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Từ tháng chạp 1907, V.I.Lênin sống ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh bảo vệ và củng cố Đảng hoạt động bí mật. Cuối tháng 7 năm 1914, V.I.Lênin bị cảnh sát Áo bắt nhưng sau đó ít lâu được trả lại tự do và đi Thuỵ Sĩ.
          Sau cách mạng tháng 2 năm 1917, ở Nga tồn tại 2 chính quyền song song, một bên là chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô viết các đại biểu công nhân và binh sĩ. Tháng 4 năm 1917, Hội nghị lần VII toàn Nga của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga ở Petrograd đã nhất trí thông qua đường lối khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền vơi khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết ”do V.I.Lênin đề ra.
          Đầu tháng Mười năm 1917, V.I.Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd vạch kế hoạch khởi nghĩa vũ trang và được Uỷ ban trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. Tối ngày 6 tháng 11 năm 1917, V.I.Lênin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa . Ngày 7 tháng 11 năm 1917 (lịch Nga thời Nga Hoàng 25-10-1917), Cách mạng tháng Mười Nga toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.
          Tại Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II, V.I. Lênin được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân Dân uỷ. Sau cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin tiếp tục lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô Viết đấu tranh chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước và lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Sau khi đập tan sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin thi hành chính sách đối ngoại với nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau.
          V.I.Lênin là người sáng lập Quốc tế Cộng Sản III là tổ chức của những người cộng sản được thành lập 3 - 1919) ở Moscow và giải tán năm 1943, được tái sinh lại năm 1947 và giải tán năm 1956. Cương lĩnh hoạt động của Quốc tế III là đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản. Vạch ra chiến lược, sách lược chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và để ra biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
 V.I.Lênin soạn thảo kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ( công nghiệp hoá đất nước, hợp tác hoá nông nghiệp, cách mạng văn hoá), là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hoá toàn Nga ( GOELRO), người đề ra Chính sách kinh tế mới ( NEP).... Năm 1921 chính sách NEP của Lênin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga và chính sách kinh tế mới được thực hiện là cho nền kinh tế nga được phát triển nhanh chóng. Rất tiếc Chính sách kinh tế mới sau khi V.I. Lênin mất không được thực hiện đầy đủ do điều kiện cách mạng nước Nga trước đại chiến thế giới lần thứ II nhiều thử thách nghiêm trọng.
          Tháng 1 -1922 đến tháng 3 -1922 do bệnh tình tái phát nghiêm trọng, V.I. Lênin không thể tự ghi chép được nên Ông đã đọc cho thư ký và những người cộng sự ghi âm một số bài báo quan trọng như: Những trang nhật ký, Bàn về hợp tác hóa, Bàn về cách mạng của chúng ta, Thà ít mà tốt, Thư gửi Đại hội ...để lại cho Đảng Cộng sản Nga cơ sở định ra đường lối phù hợp với tư tưởng của V.I.Lênin.
 Ngày 21 tháng 4 năm 1924 do bị ốm nặng,V.I.Lênin qua đời tại làng Gorki, Maxcơva.